Lãi suất huy động giảm, vì sao lãi suất cho vay chưa giảm?
Thời gian gần đây, thị trường tiếp tục chứng kiến nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động. Không chỉ các ngân hàng thương mại Nhà nước mà ngay cả các ngân hàng nhỏ cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn.
Tiền dư thừa, ngân hàng giảm lãi suất
Có thể thấy từ đầu năm, một số ngân hàng thương mại Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng ở các ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV... Đang phổ biến ở mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng 4,6%/năm; các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng phổ biến từ 5,1% đến 6,4%/năm....
Trong khi đó, lãi suất huy động cùng kỳ hạn ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cao hơn khoảng 0,3% đến thậm chí 1,5%. Thường nhỉnh hơn từ 0,1- 0,3% so với nhóm NHTM lớn.
Tuy nhiên, từ đầu tháng, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng rục rịch giảm lãi suất huy động. Đáng kể nhất là Techcombank giảm từ 0,1-0,3% lãi suất tất cả các kỳ hạn. LienVietPostBank cũng giảm 0,2% - 0,3% cho các kỳ hạn ngắn. Tương tự, biểu lãi suất mới của Sacombank cũng điều chỉnh một số kỳ hạn....
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó, quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang thấp hơn khá nhiều so với huy động.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính tới cuối tháng 5/2018, tín dụng tăng khoảng 6% so với thời điểm cuối 2017. Trong khi đó, huy động vốn bằng VND đã tăng 7,4%, cao hơn khá nhiều so với huy động vốn và so với cùng kỳ 2017. Việc dư thừa vốn tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank nên dễ hiểu khi các ngân hàng này đang giữ mức lãi suất huy động tương đối thấp. Việc các "ông lớn" giảm lãi suất sẽ kéo theo các ngân hàng nhỏ buộc phải giảm theo.
Không có nhiều yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay
Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng cũng liên tục giảm. Theo bản tin mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 0,27%/năm; 0,20%/năm và 0,09%/năm xuống mức 1,33%/năm; 1,44%/năm và 2,01%/năm. Mức này thấp gần bằng thời điểm thấp nhất trong lịch sử lãi suất huy động vốn trong thị trường giao dịch liên ngân hàng cho thấy vốn nhàn rỗi của các ngân hàng khá dồi dào...
Lãi suất cho vay có giảm?
Dù giảm lãi suất huy động gần như trở thành xu hướng nhưng việc giảm lãi suất cho vay gần như không nhúc nhíc, chỉ một vài ngân hàng giảm nhẹ khoảng 0,5% với một số lĩnh vực ưu tiên.
Theo các chuyên gia, để giảm lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố cung – cầu. Với mặt bằng lãi suất hiện nay, một số ngân hàng đã đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 9%, trong khi room cho năm nay chỉ ở mức khoảng 17%. Vì vậy, việc giảm lãi suất rõ ràng là không cần thiết ở khía cạnh cung – cầu.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều yếu tố là rào cản của việc giảm lãi suất, trong đó hiệu quả của nền kinh tế vẫn còn hạn chế. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng lãi suất là giá cả của đồng tiền, nên khi nền kinh tế còn chưa hiệu quả thì lãi suất sẽ khó giảm. "Cái rủi ro quá nhiều, từ hiệu quả sản xuất kinh doanh kém, từ rủi ro pháp lý, từ thu hồi xử lý tài sản còn hạn chế... Nên chi phí của ngân hàng vẫn quá lớn" – ông Trương Thanh Đức nói.
Cùng với đó, nợ xấu ngân hàng vẫn rất cao nên các ngân hàng cũng sẽ khó để giảm lãi suất, nhất là khi ngân hàng "đang phải bù lỗ cho lịch sử quá khứ". "Thậm chí bây giờ không ít những khoản nợ xấu nhưng đang theo dõi là tốt. Vì vậy, bản thân các ngân hàng cũng lường trước tình thế đó, phải để ra những khoản chênh lệch nhất định để dự phòng trong tương lai" – vị luật sư cho hay.
Vì vậy, theo ông Trương Thanh Đức, nói lãi suất cho vay cao là cao so với cảm giác, so với khả năng hấp thụ vốn, còn tính trên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thì không phải là cao.
Với các lý do đó, các chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất cho vay thời gian tới là không dễ. Nếu mặt bằng lãi suất huy động giảm trên diện rộng thì lãi suất cho vay nếu có giảm sẽ tập trung vào các linh vực ưu tiên trước.
Nhận xét
Đăng nhận xét