Giá dịch vụ đường cao tốc không thể theo lãi suất ngân hàng
Chính phủ hồi âm ý kiến đại biểu về dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020...
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung phương án giá khác nhau và đánh giá tính khả thi.
NGUYỄN LỘC
Giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc danh mục giá do nhà nước quản lý nên không thể căn cứ vào lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại, Chính phủ hồi âm ý kiến đại biểu về dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020.
Như VnEconomy đã thông tin, trước khi Quốc hội bấm nút quyết định chủ trương đầu tư dự án nói trên vào sáng 21/11, Chính phủ đã gửi báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu yêu cầu làm rõ, qua các phiên thảo luận.
Cụ thể, báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế và ý kiến của một số đại biểu đề nghị đánh giá tác động cụ thể hơn đối với các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội, bổ sung phương án giá khác nhau và đánh giá tính khả thi.
Xem thêm : Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay
Chính phủ hồi âm, theo quy định của pháp luật đấu thầu, để có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, minh bạch, phải xác định cụ thể mức giá dịch vụ tại thời điểm đưa vào khai thác và các thời kỳ trong vòng đời dự án.
Theo đó, Chính phủ xây dựng 3 phương án giá dịch vụ.
Phương án 1: mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ định giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có lợi nhuận hợp lý, mức giá khoảng 2.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km.
Phương án 2: mức giá xác định theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá thị trường 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km.
Phương án 3 là khung giá cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án, xác định theo nguyên tắc: mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km; các thời thời kỳ tiếp theo, mức giá dịch vụ tính toán theo kết quả dự báo về chỉ số giá cả, tốc độ lạm phát và sức mua của đồng tiền,... trong khoảng thời gian nhất định tương ứng với vòng đời của dự án từ 1.500 đồng đến tối đa sau 20 năm khoảng 3.400 đồng.
Đánh giá tác động cụ thể của các phương án, Chính phủ cho biết, với phương án 1, tại thời điểm bắt đầu khai thác mức giá này là khá cao, vượt quá khả năng thanh toán của người sử dụng, khả năng cạnh tranh kém, không thu hút các phương tiện. Đồng thời, phương án này thì sẽ đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư nhưng vượt quá sức chi trả cho người sử dụng trong giai đoạn đầu khi mới đưa vào khai thác. Với phương án này, cần mức vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 64.500 tỷ đồng.
Phương án 2, mức giá phù hợp với thị trường đặc biệt là khả năng thanh toán của người sử dụng tại thời điểm bắt đầu khai thác, khả năng cạnh tranh cao nhưng doanh thu thấp. Để đảm bảo hiệu quả tài chính, phần vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với phương án này lên khoảng 80.380 tỷ đồng.
Phương án 3 được đánh giá là tối ưu nhất, phù hợp với khả năng thanh toán của người tiêu dùng trong từng thời kỳ, tính cạnh tranh cao nên thu hút được các phương tiện vừa đảm bảo hiệu quả về tài chính và hiệu quả đầu tư. Với mức giá 3 năm điều chỉnh một lần với mức mỗi năm tăng 4%/năm. Với phương án này, mức giá phù hợp với mức chi trả của người sử dụng và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Chính phủ khẳng định, mức tăng 4%/năm được nghiên cứu một cách khoa học dựa trên nghiên cứu chỉ số lạm phát của 11 nước có nền kinh tế xếp hạng tín nhiệm tương đương Việt Nam trong vòng 20 năm và phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, phương án này có mức hỗ trợ của nhà nước thấp nhất, hiệu quả sử dụng vốn cao. Với phương án này, cần mức vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội lựa chọn phương án 3.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu phương án xác định giá dịch vụ trên lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại.
Chính phủ giải thích, giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc danh mục giá do nhà nước quản lý nên không thể căn cứ vào lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại. Đồng thời lãi suất của các ngân hàng thường cao hơn nhiều so với mức lạm phát bình quân. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội không áp dụng phương án này để xác định mức giá đường bộ.
Nhận xét
Đăng nhận xét